Trang chủ » Giới thiệu

Giới thiệu

by thaovong

Cho đi có trí tuệ!

Mượn chuyện xưa… Ông Ankura và ông Indaka vừa được tái sinh đến trời Đao Lợi, nhưng dung sắc của ông Indaka sáng chói hơn ông Ankura rất nhiều. Khi thiên chúng thắc mắc, Đức Phật nói: Ông Indaka chỉ cúng dường một muỗng thức ăn của mình cho đại đức Anuruddha mà được tái sanh về trời Đao Lợi với dung sắc vô cùng sáng chói, trong khi đó ông Ankura bố thí vô số thực phẩm trong nhân gian suốt mười ngàn năm và gần đây cúng dường rất nhiều cho Giáo đoàn Khất sĩ mới được tái sanh về trời Đao Lợi. Nguyên nhân được ví như người nông dân phải chọn đất tốt mới thu hoạch được nhiều hoa lợi. Còn ông Ankura vì không biết chọn người đức hạnh để cúng dường nên việc cúng dường của ông không được nhiều lợi lạc, cũng giống như gieo giống vào mảnh đất khô cằn.

…bàn chuyện nay
Suy cho cùng, việc cúng dường là nên làm, và rất nhiều người làm. Nhưng làm thế nào cho đúng thì không phải ai cũng biết cách làm.
Nhiều người sẽ nói, đã cúng dường, đã bố thí mà còn tính toán lợi nhiều, lợi ít thì đâu còn ý nghĩa, đâu còn thật tâm.
Khoan đã, bạn hãy dừng lại và tự truy vấn lương tâm mình, khi bạn cúng dường hay bố thí, hoặc nói theo ngôn ngữ “mạng xã hội” là cho đi, bạn có mong cầu một điều gì đó hay không?

Nếu không, thì tại sao bạn lại làm những việc này?
Nếu có, thì tại sao bạn không làm cho đúng? Đúng người, đúng việc, đúng mục đích!

Bản thân tôi có lần cho đi, nhưng nhầm người, rồi cảm thấy không vui trong lòng vì bị lừa.
Chuyện là đi làm về, hôm đó là thứ bảy nên 12:00 đã lon ton đi về.
Đang chờ đèn đỏ tại giao lộ Út Tịch – Cộng Hoà, tôi trông thấy ở góc tường siêu thị có một cụ già, mặt nhăn nhó, tay ôm bụng, kế bên là bao ve chai.

Thấy ông có vẻ không ổn, tôi định bụng tấp vào hỏi thăm, nhưng dòng xe đang kẹt đùn đẩy tôi lên tận ngã rẽ tiếp theo mới vòng lại được.
Sau khi hỏi han tình hình, tôi ngỏ ý mua thức ăn cho ông, nhưng ông từ chối và cho biết mình đau bao tử, đang cần tiền mua thuốc.
Thế là tôi cho ông tiền rồi ra về.
Lòng khấp khởi hạnh phúc vì vừa cho đi một việc tốt

Thứ bảy tuần sau, đi ngang qua chỗ cũ, vẫn người cũ với dáng vẻ cũ.
Tôi mới chột dạ nhận ra, có lẽ mình đã bị lừa.
Rồi tuần sau nữa, vẫn hình ảnh đó xát muối vô trái tim tôi.
Có lẽ tôi đã cho đi không đúng người!

Vậy nên “Cho đi cũng cần trí tuệ”!
Trí tuệ để phân định được việc làm phù hợp theo hoàn cảnh.
Trí tuệ để nhận định được người thực sự cần giúp đỡ.
Trí tuệ để thực hiện việc cho đi đúng đắn, đến nơi đến chốn.

Chốt lại, ta cần phân biệt rõ giữa cho đi để thoả mãn cái tôi, và cho đi có trí tuệ!
Đừng lạm dụng chữ cho đi chỉ vì nó làm bạn cảm thấy mình thật thánh thiện và tốt bụng.